Bối cảnh Mông_Cổ_bao_vây_Khai_Phong

Oa Khoát Đài Hãn

Thiết Mộc Chân xưng là khả hãn vào năm 1206, tức Thành Cát Tư Hãn. Người Mông Cổ thống nhất dưới quyền lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn, và đánh bại các bộ lạc kình địch trên các thảo nguyên.[1] Cùng thời kỳ, Trung Quốc bị phân chia: Kim kiểm soát khu vực phía bắc Hoài Hà, Nam Tống cai trị phía nam Hoài Hà, còn Tây Hạ kiểm soát khu vực tây bắc.[2][3] Quân Mông Cổ chinh phục Tây Hạ vào năm 1210.[4] Trong cùng năm đó, người Mông Cổ từ bỏ địa vị chư hầu với Kim.[4] Thù địch giữa Kim và Mông được tích tụ. Người Mông Cổ thèm muốn sự thịnh vượng trong lãnh thổ Kim. Họ cũng nuôi một mối thù với Kim do sự kiện ám sát Yêm Ba Hài, một trong những tiền bối của Thành Cát Tư Hãn, và do hành vi thô lỗ của Hoàng đế Kim Hoàn Nhan Vĩnh Tế đối với Thiết Mộc Chân khi Vĩnh Tế còn là thân vương.[5]

Thành Cát Tư Hãn tiếp nhận sứ thần của Kim

Người Mông Cổ biết tin Kim đang chịu nạn đói,[6] và tiến hành xâm chiếm vào năm 1211.[7] Hai đạo quân Mông Cổ được phái đến lãnh thổ Kim, một dưới quyền chỉ huy của Thành Cát Tư Hãn.[8] Kim tập hợp quân đội và củng cố thành trì để chuẩn bị kháng cự Mông Cổ xâm nhập. Chiến lược của Mông Cổ dựa trên việc chiếm các khu dân cư nhỏ và bỏ qua các thành phố chính.[7] Họ cướp phá rồi rút lui vào năm 1212.[8] Người Mông Cổ trở lại vào năm sau và bao vây kinh đô Trung Đô (Bắc Kinh ngày nay) của Kim vào năm 1213. Người Mông Cổ không thể chiếm được thành, song họ đã đe dọa buộc hoàng đế Kim phải cống nạp.[8] Họ rút lui vào năm 1214. Trong cùng năm, lo sợ trước một cuộc bao vây khác, Kim chuyển kinh đô từ Trung Đô đến Biện Kinh Khai Phong phủ. Người Mông Cổ lại bao vây Trung Đô vào năm 1215 khi biết tin triều đình Kim đã đào thoát khỏi thành. Thành Trung Đô thất thủ vào ngày 31 tháng 5,[9] và đến năm 1216, Kim đã để mất những phần lãnh thổ lớn vào tay Mông Cổ[10]

Trong khi đó, Kim bị tác động do nhiều cuộc nổi loạn.[11] Tại Mãn Châu, người Khiết Đan dưới quyền lãnh đạo của Da Luật Lưu Ca tuyên bố độc lập khỏi Kim và liên kết với người Mông Cổ. Da Luật Lưu Ca được tôn làm một quân chủ bù nhìn của nước Liêu lệ thuộc vào Mông Cổ vào năm 1213.[12] Đạo quân Kim dưới quyền Bồ Tiên Vạn Nô được phái đi chinh phạt Da Luật Lưu Ca song không thành công, Bồ Tiên Vạn Nô nhận thấy Kim bên bờ sụp đổ nên quyết định nổi loạn và xưng vương của Đại Chân vào năm 1215.[13] Ở phía nam, các cuộc nổi loạn nổ ra tại khu vực Sơn Đông, bắt đầu với cuộc nổi loạn của Dương Anh Quốc vào năm 1214. Những người nổi loạn được gọi là Hồng Áo quân, do màu của quân phục mà họ mặc từ năm 1215.[14] Sau khi Trung Đô thất thủ vào năm 1215, người Mông Cổ giảm bớt nỗ lực chiến tranh với Kim, và dồn tài nguyên của họ chuẩn bị cho việc xâm chiếm Trung Á.[10] Người Kim nỗ lực bù đắp tổn thất lãnh thổ của họ cho Mông Cổ bằng cách xâm chiếm Nam Tống vào năm 1217.[15] Chiến dịch thất bại, vì thế dù Kim muốn hòa đàm, song Tống từ chối đề nghị này. Đến năm 1218, sứ thần của Kim bị cấm đến Nam Tống.[15] Người Mông Cổ giảm bớt chiến tranh với Kim, song không phải là ngưng lại, và tiếp tục đến đầu thập niên 1220 dưới quyền Mộc Hoa Lê.[16] Mộc Hoa Lê bệnh mất vào năm 1223, và các chiến dịch chống Kim của Mông Cổ được đình hoãn. Kim làm hòa với Nam Tống, song Nam Tống tiếp tục trợ giúp Hồng Áo quân chống Kim.[17] Thành Cát Tư Hãn mất vào năm 1227.[18] Oa Khoát Đài là người kế vị,[19] và tiếp tục cuộc chiến tranh với Kim vào năm 1230.[20]